Chương Hai

Phúc Âm Hy Vọng đã được ký thác cho Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba

 

I. Chúa Kitô kêu gọi hoán cải

24. “Âu Châu đã được Kitô giáo thấm nhiễm một cách rộng rãi và sâu xa. ‘Một điều chắc chắn là, nơi lịch sử phức tạp của Âu Châu, Kitô giáo là một yếu tố chính yếu và hình thành được thiết lập trên nền tảng vững chắc của gia sản cổ kính cũng như trên nhiều thứ đóng góp của các chủng tộc cùng các triều sóng văn hóa khác nhau liên tục kéo dài qua các thế kỷ. Đức tin Kitô giáo đã hình thành văn hóa của Lục Địa này và liên kết bất khả phân ly với lịch sử của nó, đến độ lịch sử Âu Châu sẽ không thể nào hiểu nổi mà lại không đề cập tới những biến cố đánh dấu trước hết giai đoạn truyền bá phúc âm hóa sâu rộng rồi tới những thế kỷ dài Kitô giáo trở thành một tôn giáo của các dân tộc Âu Châu, mặc dù xẩy ra tình trạng chia rẽ đau thương giữa Đông và Tây”.

25. “Qua các thế kỷ, Giáo Hội vẫn gắn bó chặt chẽ với lục địa của chúng ta, nhờ đó gương mặt thiêng liêng của Âu Châu mới được dần dần rõ nét nhờ những nỗ lực của các vị đại thừa sai, chứng từ của các vị thánh cũng như của các vị tử đạo, cùng với những nỗ lực không ngừng của các đan sĩ cũng như của các nữ tu dòng kín, của những con người nam nữ tu trì cũng như của các vị mục tử. Từ ý niệm thánh kinh về con người, Âu Châu đã rút lấy được một nền văn hóa nhân bản tuyệt nhất, một nền văn hóa tác động những sáng tạo nghệ thuật và trí thức, một nền văn hóa đã thiết lập các hệ thống luật pháp, chưa hết, và là một nền văn hóa thăng tiến phẩm giá của con người như là chủ thể của các thứ quyền lợi bất khả phân ly. Như thế, Giáo Hội, với tư cách phổ biến Phúc Âm, đã giúp vào việc làm lan truyền và củng cố những giá trị làm cho văn hóa Âu Châu trở thành phổ quát.”

27. “Giáo Hội Tại Âu Châu được kêu gọi hãy tin tưởng hơn nữa là Chúa Kitô, băng tặng ân Thần Linh của Người, hằng hiện diện và hoạt động nơi Giáo Hội cũng như trong suốt giòng lịch sử nhân loại”.

28. “Trước tình trạng tái diễn những động lực gây chia rẽ và chống đối, các Giáo Hội Riêng khác nhau ở Âu Châu, được kiên cường cũng bởi việc gắn bó với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, phải dân thân để trở thành một định vị và là phương tiện của mối hiệp thông cho toàn thể Dân Chúa trong đức tin và đức mến”.

29. “Nếu mối hiệp nhất trong Giáo Hội được cảm nghiệm một cách trọn vẹn hơn nữa thì cần phải hết sức thực hiện những đặc sủng và ơn gọi khác nhau mỗi ngày một qui về mối hiệp nhất và có thể làm cho mối hiệp nhất này nên phong phú. Về vấn đề này, các phong trào mới cũng như các cộng đồng giáo hội mới cần phải ‘loại trừ đi tất cả mọi khuynh hướng đòi quyền trưởng nam cũng như loại trừ đi tình trạng thiếu hiểu biết lẫn nhau’, tiến bước trên con đường hiệp thông chân chính với nhau hơn, và cùng với tất cả các thực thể giáo hội khác, ‘sống yêu thương bằng một lòng hoàn toàn tuân phục Giám Mục’.

“Để đáp ứng tiếng gọi của Phúc Âm trong việc hoán cải, ‘chúng ta phải cùng nhau thực hiện việc khiêm tốn và can đảm xét lại lương tâm, để nhìn nhận những nỗi sợ hãi của chúng ta cũng như những lỗi lầm của chúng ta, chân thành thú nhận việc chúng ta trì trệ tin tưởng, việc chúng ta bỏ qua không làm, việc chúng ta bất trung và việc chúng ta lầm lỗi’”.

30. “Sau hết, Phúc Âm hy vọng cũng là một lời hiệu triệu mãnh liệt kêu gọi thực hiện việc hoán cải trong lãnh vực đại kết,… một lãnh vực ngày nay thiết yếu để tạo được một thế giá hơn nữa trong việc truyền bá phúc âm hóa cũng như cho việc phát triển mối hiệp nhất Âu Châu”.

31. “Cần phải cương quyết dứt khoát tiếp tục việc đối thoại, bất chấp những khó khăn và khốn khó.

“Chúng ta không được phép đứng khựng lại trong cuộc hành trình này hay được phép quay đầu trở lại!”

32. “Tôi xin hết mọi người hãy nhìn nhận và cảm nhận, trong yêu thương và tình huynh đệ, việc đóng góp được các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cống hiến để xây dựng mối hiệp nhất chân chính hơn… Tôi cũng xin các vị mục tử và các anh chị em thuộc Giáo Hội Chính Thống một lần nữa là không thể lẫn lộn vấn đề truyền bá phúc âm hóa với việc dụ giáo kẻo làm tổn thương đến nhiệm vụ tôn trọng sự thật, tự do và phẩm giá con người”.

II. Toàn Thể Giáo Hội được sai đi truyền giáo

(Vấn đề truyền giáo liên quan đến đời sống độc thân các vị linh mục, đến các phó tế, đến các tu sĩ, giáo dân, đến nữ giới)